QUYỀN NUÔI CON KHI GIẢI QUYẾT LY HÔN
Trong các vụ án ly hôn, việc xác định quyền nuôi con khi ly hôn không hề đơn giản bởi lẽ ngoài các quy định của pháp luật thì còn các yếu tố khác.
1. Quyền nuôi con khi giải quyết ly hôn phụ thuộc vào độ tuổi của con
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Như vậy, từ căn cứ trên có thể khái quát như sau:
Thứ nhất, trường hợp con dưới 36 tháng tuổi: Đối với trường hợp này sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Quy định như vậy vì xét trên thực tế trẻ con trong độ tuổi này cần sự nuôi nấng và chăm sóc trực tiếp từ người mẹ mới đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Người mẹ chỉ không được quyền nuôi con khi cha, mẹ đã có thỏa thuận khác để đảm bảo về lợi ích của con hoặc người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con.
Thứ hai, trường hợp con từ đủ 36 tháng tuổi đến dưới 07 tuổi: Đối với trường hợp này quyền trực tiếp nuôi con sẽ do cha, mẹ thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con.
Thứ ba, trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên: Đối với trường hợp này, khi quyết định việc người nào được quyền nuôi con thì Tòa án sẽ phải xem xét nguyện vọng của con muốn ở với ai để quyết định người trực tiếp nuôi con.
2. Các yếu tố khác để Tòa án phán quyết quyền nuôi con
Hiểu về các căn cứ để Tòa án phán quyết quyền nuôi con sẽ giúp chúng ta có được những lợi thế khi cạnh tranh quyền nuôi con với đối phương. Căn cứ để tòa án giao con cho vợ hoặc chồng bên cạnh việc căn cứ vào độ tuổi, Tòa án cũng sẽ phải dựa vào các yếu tố khác như: điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần, nguyện vọng của con…Cụ thể:
Thứ nhất, điều kiện vật chất: Đây chính là điều kiện về kinh tế để đảm bảo việc nuôi nấng và chăm sóc đứa trẻ. Người trực tiếp nuôi dưỡng con phải có điều kiện vật chất đảm bảo. Điều kiện vật chất đảm bảo tức là cha hoặc mẹ phải đáp ứng được những nhu cầu cho con ở mức sống tối thiểu cho nhu cầu ăn, ở và học tập của con. Pháp luật không yêu cầu người trực tiếp nuôi con phải cho con cuộc sống cao cấp hay sung túc song cha, mẹ phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của trẻ. Điều kiện vật chất của cha hoặc mẹ sẽ được chứng minh qua thu nhập hàng tháng hoặc tình trạng tài chính ổn định. Người không chứng minh được tình trạng tài chính ổn định sẽ gặp bất lợi trong việc cạnh tranh quyền nuôi con. Tuy nhiên, không phải người có kinh tế tốt hơn sẽ được quyền nuôi con mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác.
Thứ hai, yếu tố tinh thần: Bao gồm việc nuôi dưỡng con trong môi trường sống tốt để đứa trẻ có khả năng phát triển toàn diện về sức khỏe và tinh thần và đảm bảo được quỹ thời gian để chăm sóc và giáo dục con.
Thứ ba, điều kiện về sức khỏe của cha mẹ: Người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ phải là người có sức khỏe tốt hoặc điều kiện sức khỏe đảm bảo để chăm sóc cho con.
Thứ tư, vê đạo đức, nhân phẩm của người trực tiếp nuôi dưỡng: Tòa án sẽ xem xét đến yếu tố này khi quyết định quyền nuôi con. Đặc biệt, những người có tiền án, tiền sự, ngoại tình, bạo lực gia đình…sẽ gặp bất lợi khi xét theo yếu tố này.
Làm cha, làm mẹ chính là thiên chức cao quý và thiêng liêng nhất mà Thượng đế trao cho mỗi người chúng ta. Con cái là tài sản vô giá không tiền nào mua được. Để có thể giành được quyền nuôi con tưởng chừng dẫn dễ nhưng lại rất khó và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để tăng cao khả năng giành được quyền nuôi con, chúng ta nên mời luật sư hoặc ít nhất là nên tham khảo sự tư vấn của luật sư. Các luật sư và chuyên viên pháp lý là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đã giải quyết các vụ việc tương tự nên họ sẽ cung cấp cho chúng ta những lời khuyên và những giải pháp hữu hiệu nhất để chúng ta có thể giành được quyền nuôi con. Khi không có luật sư đồng hành bên mình, chúng ta có thể gặp nhiều bất lợi như: Không chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hồ sơ, không đưa ra được các bằng chứng chứng minh thu nhập hoặc các chứng cứ chứng minh vợ, chồng bạn không đủ khả năng nuôi con…Đặc biệt, chúng ta sẽ càng khó khăn hơn nếu đối phương đã nhờ sự giúp đỡ của luật sư trong việc giành quyền nuôi con còn chúng ta thì tự thân vận động. Vì vậy, lời khuyên cho mỗi người là nên tìm tới các Luật sư, Chuyên viên pháp lý…trong trường hợp này để giành lợi thế về mình nhiều nhất có thể.